Phát huy tinh thần khởi nghiệp, khẳng định sức trẻ dám nghĩ, dám làm, tháng 8 năm 2016, Nguyễn Long Sáng và Nguyễn Huy Hoàng - hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái đã triển khai Dự án trồng cây Thiên ngân tại thôn Bản Ính, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.
Cây Thiên ngân.
Để triển khai thực hiện Dự án trồng cây Thiên ngân, Nguyễn Long Sáng và Nguyễn Huy Hoàng đã thuê hơn 8 ha đất của người dân thôn Bản Ính, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên để trồng; đồng thời, vận động thêm 17 hộ dân trong xã trồng hơn 20 ha. Quá trình triển khai Dự án, hai anh đã hỗ trợ người dân về vốn, giống, phân bón và công chăm sóc, do đó, đã tạo động lực giúp người dân yên tâm thực hiện Dự án.
Anh Nguyễn Long Sáng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông - Lâm Thiên Ngân cho biết: “Với kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, tôi nhận thấy, Thiên ngân là loại cây có giá trị, nhất là làm gỗ ván mặt xuất khẩu đi các nước phục vụ cho sản xuất đồ gia dụng, nội thất, thủ công mỹ nghệ. Trong khi đó, giống cây này lại có ở địa phương, dễ trồng và chăm sóc, khả năng tái sinh cao nên tôi và anh Hoàng đã bàn bạc, thống nhất thực hiện Dự án”.
Là loại cây sinh trưởng nhanh, đến nay, rừng cây Thiên ngân của Nguyễn Long Sáng và Nguyễn Huy Hoàng đã và đang phát triển rất tốt. Với đặc tính thân cao, lá to, ngoài việc khai thác lấy gỗ, lá Thiên ngân còn có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi, vỏ và rễ cây làm thuốc chữa rắn cắn nên cây Thiên ngân có triển vọng rất tốt.
Qua khảo nghiệm, trung bình mỗi năm, cây Thiên ngân tăng từ 4,5 - 5,5 cm đường kính; là loại cây có thể phát triển ở đa số mọi điều kiện đất đai. Trên diện tích một 1 ha có thể trồng được 600 cây, chi phí giống cây và công chăm sóc hết khoảng 50 triệu đồng.
Sau 5 năm, cây đạt chu vi 120 - 160 cm, chiều cao >10 m, trung bình mỗi cây đạt 1 khối gỗ và mỗi héc-ta đạt 500 - 600 khối gỗ. Với giá thị trường 1,5 triệu đồng/ khối gỗ Thiên ngân thì mỗi ha đạt trung bình 750 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 700 triệu đồng/ha, so với trồng keo, bạch đàn hiện nay (chỉ đạt 40 - 60 triệu đồng/ha) thì giá trị kinh tế của cây Thiên ngân cao hơn gấp 10 lần.
Hiện tại, Nguyễn Long Sáng và Nguyễn Huy Hoàng đã đã đầu tư 700 triệu đồng cho Dự án trồng cây Thiên ngân. Theo dự tính, 3 năm tới, rừng cây Thiên ngân của hai anh sẽ cho khai thác tỉa và sau 6 năm có thể khai thác trắng.
Điều này, không chỉ hứa hẹn đem lại cơ hội làm giàu cho hai hội viên doanh nhân trẻ vùng “đất ngọc” mà còn giúp nhiều gia đình nông dân huyện Lục Yên có cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; mở ra hướng phát triển bền vững loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cho địa phương. Bởi thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên, người dân chủ yếu vẫn trồng các loại cây: keo, quế, trẩu, bồ đề, mỡ với tỷ lệ che phủ đạt 70%.
Tuy nhiên, việc quy hoạch và khai thác các loại cây này vẫn còn xảy ra tình trạng ồ ạt nên đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, cây Thiên ngân nếu khai thác trắng thì vẫn đảm bảo ngăn ngừa lũ lụt, bảo vệ hoa màu và môi trường vì khả năng tái sinh đạt 100% và lá của cây Thiên ngân chứa 18% độ đạm nên có tác dụng cải tạo đất tơi xốp.
Tin tưởng rằng, với ý chí, quyết tâm làm giàu chính đáng, hai doanh nhân trẻ - Nguyễn Long Sáng và Nguyễn Huy Hoàng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
Theo Báo Yên Bái
Tin khác